Tìm khán giả cho nghệ thuật truyền thống: Không phải chuyện ngày một, ngày hai

VHO- “Làm sao để tìm được khán giả đương đại cho sân khấu truyền thống?” luôn là câu hỏi khó đối với những người làm nghệ thuật. Rất nhiều tác phẩm sân khấu chất lượng cao nhưng vẫn vắng bóng người trẻ đến xem, bởi lẽ họ đang có quá nhiều sự lựa chọn trong thưởng thức các loại hình giải trí.

Tìm khán giả cho nghệ thuật truyền thống: Không phải chuyện ngày một, ngày hai - Anh 1

 Giới thiệu nghệ thuật múa rối với thiếu nhi tại Nhà hát Múa rối Việt Nam

Khán giả “quay lưng” với nghệ thuật truyền thống là chủ đề nóng được đặt ra tại Lớp bồi dưỡng Vấn đề kế thừa và cách tân trong văn học, nghệ thuật: Vai trò trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, sáng tác trẻ do Hội đồng lý luận VHNT Trung ương tổ chức mới đây, thu hút nhiều giảng viên ở các trường đại học tham gia như: Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Hồng Đức (Thanh Hoá), Đại học Hạ Long (Quảng Ninh)...

Không thể bắt người trẻ yêu thứ mà họ không biết

Tại Lớp bồi dưỡng, nhiều tiếng nói có chung nhận định rằng: Những người trẻ hôm nay không hề quay lưng với nghệ thuật truyền thống, họ sẵn sàng yêu và gắn bó nếu tìm thấy những rung cảm thật sự. Giảng viên Kiều Anh, sinh năm 1999 (Khoa Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: “Một số bạn sinh viên sau khi xem các vở diễn sân khấu đều khẳng định rất thích và háo hức muốn tìm hiểu sâu thêm. Vấn đề ở đây là làm sao để kết nối nghệ thuật truyền thống đến với họ một cách sâu rộng”.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, NSND Triệu Trung Kiên cho biết: “Thế hệ chúng tôi vào những năm 70, 80 của thế kỷ XX lớn lên trong bối những loại hình nghệ thuật như điện ảnh, âm nhạc hiện đại hay truyền hình còn là xa xỉ, vì vậy nghệ thuật truyền thống có nhiều “đất sống”. Theo tôi, muốn đưa người trẻ trở lại với nghệ thuật truyền thống thì cần tạo môi trường cho họ được tiếp cận ngay từ khi còn ở lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Cần có sự giáo dục đúng hướng để giới trẻ có được thái độ cần thiết trước những giá trị của dân tộc mình”.

Bàn về vấn đề này, nhà văn Ngô Thảo nhận định: “Khi xã hội phát triển, điều kiện sống được cải thiện, các phương tiện giải trí ngày càng nhiều, nếu lớp trẻ không được chuẩn bị một định hướng chuẩn xác thì sẽ rất dễ bị mất phương hướng, mà nguy cơ lớn nhất là sự mất gốc, quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Sự thờ ơ và ít hiểu biết về nghệ thuật cha ông của lớp trẻ hiện nay là trách nhiệm ở người lớn, đặc biệt hệ thống giáo dục. Ở nhà trường, chương trình chính khóa không dạy mà ngoại khoá cũng không hề nhắc, vì thế, không thể bắt người trẻ yêu thứ họ không biết”.

Tìm khán giả cho nghệ thuật truyền thống: Không phải chuyện ngày một, ngày hai - Anh 2

 Khán giả nhí tại Sân khấu múa rối Bông Sen của Nhà hát Nghệ thuật đương đại

Đào tạo khán giả cho nghệ thuật truyền thống

Vấn đề đặt ra trong mối quan hệ giữa nghệ thuật truyền thống và giới trẻ đó là việc cần tạo ra môi trường xã hội và cơ chế để các vở diễn có vị trí xứng đáng trong xã hội hiện đại. Giảng viên Kiều Anh cho biết, hiện nay có một số vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc được tổ chức miễn phí cho học sinh, sinh viên tới xem. Chưa bàn tới chất lượng nghệ thuật, nhưng rõ ràng việc mời xem miễn phí này cũng sẽ giúp người trẻ tiếp cận gần hơn với nghệ thuật dân tộc. Theo cô, các nhà trường nên kết hợp với các nhà hát, đơn vị nghệ thuật truyền thống để tổ chức các buổi biểu diễn, đồng thời sau khi xem cần có sự giao lưu giữa các nghệ sĩ và khán giả để giúp các bạn hiểu hơn về từng loại hình như Tuồng, Chèo, Cải lương... “Ngôn ngữ, bối cảnh các vở diễn đặt ra đã rất cách xa con người hiện đại, vì vậy, nếu không có sự giải thích cặn kẽ thì sẽ khó để hiểu và yêu được”, nữ giảng viên trẻ nhận định.

Hiện nay, chương trình sân khấu học đường đã được thực hiện ở một số trường học và địa phương, tuy nhiên, theo nhận định của chính những nghệ sĩ tham gia chương trình, thì nó mới chỉ mang tính nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai nấy làm. Nguyên tắc của ngôn ngữ sân khấu là phải được diễn ra trong không gian đủ các thành tố, trang trí, âm thanh, ánh sáng và diễn ra sau cánh màn nhung. Trong khi đó, các chương trình sân khấu học đường lại không toát lên được cái đẹp cần có của sân khấu.

Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam Triệu Trung Kiên cho rằng, cần có sự kết hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước là Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT để làm sao đưa được các chương trình nghệ thuật vào học đường một cách bài bản, chuẩn chỉ ngay từ việc lựa chọn loại hình cho tới thương hiệu nhà hát tham gia. “Tôi cho rằng, bản thân các trường cũng khó có kinh phí để mời một lúc hàng loạt nhà hát ở nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn cho sinh viên, học sinh của mình xem. Cần phải có kế hoạch triển khai tổng thể của nhà nước, để có thể chọn lọc những đơn vị, loại hình nào đưa vào giới thiệu trong các trường học. Việc đào tạo khán giả trẻ phải được đưa vào giáo trình giảng dạy chính khóa mới có thể hình thành nên một thế hệ khán giả mới cho nghệ thuật truyền thống trong tương lai”, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ những băn khoăn.

Không chỉ thay đổi cách tiếp cận với khán giả mà nghệ thuật truyền thống cần sự chuyển mình mạnh mẽ hơn về hình thức, nội dung để mang lại sức sống mới. Các nhà quản lý cần đưa ra định hướng, chiến lược để tạo nên các sản phẩm nghệ thuật thích ứng với xã hội đương đại. Trên thực tế, không dựa vào “bầu sữa” ngân sách Nhà nước, nhưng ngày càng có nhiều dự án, chương trình nhằm quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống được chính những người trẻ triển khai như nhóm học sinh, sinh viên của nhóm “Chèo 48h - Tôi Chèo về quê hương” đã bền bỉ 8 năm qua lan tỏa tình yêu nghệ thuật dân tộc tới những người đồng trang lứa.

Câu chuyện giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống còn rất dài, cần có kế hoạch, chính sách đầu tư dài hơi. Đơn cử như các địa phương cũng cần tính toán, chọn lọc những loại hình là thế mạnh để có sự đầu tư thích đáng. Con đường đưa nghệ thuật truyền thống thoát khỏi tình trạng “khủng hoảng khán giả trẻ” cần sự nỗ lực, chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các Bộ, ngành và đặc biệt là phải có đầu tư chiến lược bằng giáo dục thẩm mỹ nghệ thuật truyền thống ngay từ trong học đường và theo từng cấp độ học vấn. 

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc